5 loại răng sứ thẩm mỹ phổ biến trên thị trường

5 loại răng sứ thẩm mỹ phổ biến trên thị trường

Hàm răng trắng sáng với nụ cười thu hút có ảnh hưởng tích cực đến công việc, đời sống xã hội và giúp gia tăng sự tự tin ở mỗi người. Chính vì những lý do đó, nhiều loại hình răng sứ thẩm mỹ đã ra đời, bạn có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp với tình trạng răng miệng cũng như tình hình tài chính của bản thân.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn một vài dịch vụ răng sứ thẩm mỹ được sử dụng phổ biến ngày nay. Đồng thời, bạn cũng biết thêm về các chất liệu làm răng sứ và những ưu, nhược điểm của chúng để tham khảo trước khi quyết định tiến hành phục hình răng.

Các loại hình răng sứ thẩm mỹ

1. Bọc răng sứ (mão răng sứ)

Đây là một phương pháp giúp che phủ toàn bộ một chiếc răng, giúp khôi phục lại hình dáng bình thường. Mục đích của quá trình bọc răng sứ thường là:

Che đi răng đã bị mất đi hình dáng ban đầu do tai nạn hay răng bị xỉn màu
Bảo vệ các răng bị yếu, lung lay
Phục hồi những răng bị hỏng hoặc mòn răng
Che phủ răng khi có một lỗ hổng quá lớn không thể trám
Chụp lên trên trụ implant khi trồng răng
Bao phủ răng đã được rút tủy
Vật liệu dùng để làm mão răng thường là sứ. Ngoài ra, vẫn có những mão răng bằng kim loại, nhựa hoặc ceramic… Để chuẩn bị cho quy trình bọc răng sứ, bạn sẽ được tạo hình khuôn răng bằng những kỹ thuật nha khoa do nha sĩ thực hiện.

2. Dán răng sứ (veneer)

Những miếng dán này thông thường được làm bằng sứ và dán ở mặt trước của răng bằng chất liệu nha khoa chuyên biệt. Hình thức này giúp cải thiện màu sắc hay thay đổi hình dạng răng, mang lại hiệu quả đáng kể.

Bạn có thể lựa chọn mặt dán sứ veneer trong các trường hợp như:

Che đi khoảng trống ở giữa các răng
Răng bị sứt mẻ, gãy hoặc mòn
Răng xỉn màu hoặc răng được nhuộm màu vĩnh viễn
Hình dạng răng không đẹp
Răng mọc xiêu vẹo, không thẳng hàng
Trước khi dán răng sứ thẩm mỹ, nha sĩ cũng sẽ tạo hình khuôn răng của bạn trước tiên. Sau đó, răng được đánh bóng trước khi dán rồi cuối cùng chiếu ánh sáng lên răng để làm cứng keo dán (cement), giúp miếng dán sứ cố định chắc chắn trên răng.

3. Cầu răng sứ

Cầu răng là một phương pháp dùng để thay thế một hoặc vài răng bị mất bằng răng giả. Chất liệu dùng để làm cầu răng có thể là sứ, kim loại hay vật liệu kết hợp nhưng phổ biến nhất vẫn là sứ vì nó mang lại màu sắc tự nhiên, tương thích với hàm răng thật nhất.

Trong quá trình làm cầu răng, bạn thường phải mài nhỏ răng hai bên để làm răng trụ. Mão răng sẽ chụp vào hai trụ hai bên và ở giữa nối một răng giả để thay thế răng bị mất. Đây là hình thức phục hình răng cố định, nếu bạn muốn tháo bỏ cầu răng, bạn cần phải đến nha khoa để thực hiện.

4. Cấy ghép implant

Cấy ghép implant là một hình thức nha khoa thẩm mỹ khá đắt tiền nhưng là giải pháp lâu dài trong trường hợp bạn muốn thay thế răng bị mất.

Một chiếc răng implant sẽ bao gồm 3 phần chính:

Trụ implant: thường làm bằng hợp chất titanium không mòn, không rỉ và được gắn vào khung xương hàm. Trụ implant sẽ đóng vai trò như một chân răng.
Abutment: là một chốt làm bằng kim loại với thiết kế hai đầu, đóng vai trò là khớp nối giữa trụ implant và mão răng. Abutment chỉ được gắn cố định vào implant khi quá trình tích hợp giữa xương và trụ implant thành công.
Mão răng: là một thân răng rỗng được chụp vào đầu trên của abutment. Mão răng này được thiết kế dựa trên mẫu dấu răng lấy từ người bệnh với hình dạng, màu sắc và kích thước phù hợp với cả hàm răng thật. Mão răng cũng có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là sứ.
Trụ implant có thể tồn tại vĩnh viễn trong xương hàm nếu bạn chăm sóc răng miệng sau khi trồng răng tốt. Nếu phần mão răng bị hư hại, bạn chỉ cần bọc răng lại mà không ảnh hưởng đến phần trụ hay abutment.

Ưu và nhược điểm của những vật liệu răng sứ thẩm mỹ

So với các chất liệu như vàng, bạc, hợp kim… thì sứ vẫn là loại vật liệu được sử dụng phổ biến nhất để làm răng giả. Răng sứ mang lại màu sắc tự nhiên gần như răng thật, mang lại nét thẩm mỹ cho hàm răng bạn.

Hiện nay, nguyên liệu dùng làm răng sứ thẩm mỹ có thể kể đến 4 loại chính gồm: kim loại thường, titan, kim loại quý và toàn sứ. Trong đó, mỗi loại vật liệu đều có ưu và nhược điểm khác nhau, bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi lựa chọn loại phù hợp với bản thân.

1. Răng sứ kim loại thường

Đối với loại răng sứ này, phần sườn ở bên trong được làm từ kim loại, bên ngoài là một lớp sứ. Phần kim loại bên trong thường là hợp kim Crom–Niken hoặc Crom–Coban.

Ưu điểm:

Hợp kim Crom–Coban hiếm khi làm bạn bị dị ứng hơn hợp kim Crom–Niken
Giá thành rẻ hơn nhiều loại răng thẩm mỹ khác

Nhược điểm:

Qua nhiều năm sử dụng, cổ răng của bạn xuất hiện màu xám do phần kim loại của răng sứ bị oxy hóa, gây mất thẩm mỹ.
Răng có thể bị gãy hoặc mẻ nếu bạn cắn những món quá cứng.

2. Răng sứ titan

Răng sứ loại này có phần sườn làm từ hợp kim titan và phủ bên ngoài là phần sứ. Trong y học, titan được sử dụng khá phổ biến vì ít gây phản ứng dị ứng, bệnh ung thư. Ngoài ra, hợp kim titan còn có thể gắn kết tốt với tổ chức xương, kể cả xương hàm ở miệng.

Ưu điểm:

Tuổi thọ của răng sứ titan cao hơn
Ít nhạy cảm khi bạn dùng những món nóng, lạnh
Ít làm chân răng xuất huyết và có viền nướu đen quanh cổ răng

Nhược điểm:

Thân răng hơi đục, không có được vẻ trắng sáng tự nhiên như răng sứ không kim loại
Vùng nướu cổ răng có thể bị thâm do lớp sườn kim loại ánh ra ngoài
Độ bóng, độ trong của răng sứ titan không thể bằng loại răng toàn sứ

3. Răng sứ kim loại quý (răng sứ quý kim)


Răng sứ vàng
Tương tự như hai loại trên, phần sườn trong là kim loại quý như palladium, platin, vàng phần sứ bọc bên ngoài giúp răng có màu chân thật hơn.

Ưu điểm:

Độ bền cao
Màu sắc răng tự nhiên hơn
Không bị xám ở cổ răng sau nhiều năm sử dụng như răng sứ kim loại thường
Đường viền không bị vỡ hay mẻ ngay khi đánh bóng rất mỏng
Có tính tương hợp sinh học cao, nên rất dễ chịu đối với răng và nướu, không dị ứng, không độc, không bị oxy hoá, không mùi, không vị
Độ chính xác tuyệt đối nên ngăn chặn sâu răng tái phát, sút răng nhét thức ăn, tích tụ vi khuẩn …
Tiết kiệm mô răng tối đa nên răng thật sẽ khỏe mạnh hơn
Vàng còn có tính kháng khuẩn, nên răng sứ kim loại quý có thể kháng viêm nhiễm

Nhược điểm:

Chi phí làm răng sứ kim loại quý cao hơn vì dùng kim loại quý và kỹ thuật cũng yêu cầu cao hơn
Không có nhiều phòng khám nha khoa đủ khả năng thực hiện loại răng sứ này. Nếu muốn làm, bạn nên tìm hiểu các phòng khám nha khoa chất lượng, uy tín và những dịch vụ họ cung cấp.

4. Răng toàn sứ (răng sứ không kim loại)

Loại răng này có màu tự nhiên và không đổi màu, cũng như không xảy ra phản ứng dị ứng. Hiện nay trên thị trường có những loại răng toàn sứ cao cấp nhất là răng toàn sứ Cercon, răng toàn sứ Zirconia và răng toàn sứ Emax Press. Mọi khâu thiết kế và sản xuất đều được nha sĩ tiến hành trên máy tính.

Ưu điểm:

Màu sắc tự nhiên và đẹp
Không xảy ra phản ứng dị ứng
Cải thiện tính thẩm mỹ cho hàm răng
Sườn làm bằng zirconia, nên khả năng chịu lực và độ bền rất tốt

Nhược điểm:

Cần có máy móc, trang thiết bị đắt tiền
Chi phí của một chiếc răng toàn sứ hơi cao so với những loại khác

5. Mặt dán sứ veneer

Ưu điểm:

Không cần phải mài răng quá nhiều như bọc răng sứ
Dễ tạo hình, không yêu cầu tạo hình quá kỹ trước khi thực hiện thủ thuật gắn vào răng
Được dán chặt vào răng nên không cần bảo trì hay một chế độ chăm sóc đặc biệt

Nhược điểm:

Dễ bong ra khi keo dán dần thoái hóa hay cắn phải vật rắn
Răng vẫn có thể sâu trong khi đã được dán bằng một lớp veneer
Giá thành cao
Răng sứ thẩm mỹ là một khoản đầu tư lớn để cải thiện vẻ đẹp của nụ cười, do đó hãy hình thành các thói quen vệ sinh răng thường xuyên để có một hàm răng khỏe mạnh. Việc này không chỉ để bảo vệ răng sứ thẩm mỹ mà còn giúp cải thiện tình trạng của răng thật, từ đó bạn sẽ có được hàm răng trắng sáng, khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhập từ khóa tìm kiếm