Mất răng hàm: nguyên nhân, hậu quả và phương án điều trị hiệu quả
Mất răng hàm dưới hay trên thì về lâu dài cũng có thể để lại nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ gương mặt, đồng thời gây khó khăn cho việc phục hình răng giả sau này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về tình trạng mất răng hàm và cách khắc phục tối ưu nhất trong bài viết dưới đây nhé.
1. Tìm hiểu cấu tạo và chức năng của răng hàm
Tổng số răng của một người trưởng thành là 32 cái, gồm 16 răng ở hàm trên và 16 răng ở hàm dưới. Trong đó, răng hàm được chia làm 2 nhóm:
Răng hàm nhỏ (tiền hàm): Răng nằm ở vị trí số 4 và 5, mỗi hàm gồm 4 cái, có chức năng xé và nghiền thức ăn.
Răng hàm lớn (răng cối): Răng nằm ở vị trí số 6, 7 và 8, mỗi hàm gồm 6 cái, giúp nhai và nghiền nát thức ăn.
1.1. Cấu tạo răng hàm
Răng hàm có hai phần là thân răng và chân răng. Phần thân răng ngắn, nhìn thấy được trong miệng, có bề mặt lớn. Chân răng dài, cắm chặt vào hàm, có 3 chân (răng hàm trên) và 2 chân (răng hàm dưới).
1.2. Vai trò của răng hàm
Răng hàm đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn nhai và ổn định khớp cắn. Đặc biệt là răng hàm số 6 – nền tảng cho khớp cắn về sau, vì hầu như lực nhai sẽ tập trung vào răng này. Răng hàm số 7 hỗ trợ nhai nghiền thức ăn. Còn đối với răng hàm số 8 (răng khôn) thì không có chức năng ăn nhai.
Răng hàm nằm phía trong cùng giúp hoàn thiện chức năng nhai và bảo vệ xương hàm.
2. Nguyên nhân mất răng hàm dưới và trên
Mất răng hàm dưới và hàm trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau:
2.1. Vệ sinh răng miệng kém
Lười đánh răng, không dùng chỉ nha khoa, đánh răng sai cách, không cạo vôi răng định kỳ, không thay bàn chải đều có thể gây viêm nướu, sâu răng, tăng nguy cơ mất răng.
2.2. Nhai thức ăn cứng
Thường xuyên nhai các loại thức ăn cứng như hải sản có vỏ cứng, kẹo, đá lạnh… có thể làm hư men răng và nứt gãy răng.
2.3. Tuổi tác cao
Lão hóa khiến cho cấu trúc răng lỏng lẻo, không còn vững chắc như trước, dễ dẫn đến mất răng.
2.4. Các bệnh lý
Một số bệnh như viêm khớp cắn, ung thư khớp cắn, đái tháo đường làm cho răng trở nên yếu hơn, có nguy cơ cao bị mất răng.
2.5. Chấn thương, tai nạn
Những chấn thương tác động vào vùng mặt có thể ảnh hưởng đến xương hàm và làm gãy răng.
2.6. Hút thuốc, nghiến răng
Hút thuốc nhiều dễ gây viêm nướu, viêm nha chu và nghiến răng làm mòn men răng, răng yếu và dễ bị gãy.
3. Mất răng hàm thường để lại hậu quả gì?
Mất răng hàm số 6 và số 7 có nguy hiểm không? Răng hàm bị mất nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như:
3.1. Chức năng ăn nhai kém
Mất răng hàm làm suy giảm khả năng ăn nhai, thức ăn không được cắt nhỏ trước khi xuống dạ dày, gây khó tiêu hóa và lâu dần gây nhiều bệnh lý liên quan đến dạ dày. Vì khó tiêu hóa mà cơ thể kém hấp thụ dưỡng chất, dễ bị mệt mỏi và suy nhược.
3.2. Làm xô lệch các răng còn lại
Răng hàm bị mất tạo khoảng trống trên hàm, khiến cho các răng bên cạnh không còn điểm tựa, có xu hướng xô lệch về phía răng mất, gây sai khớp cắn và ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười.
3.3. Tiêu xương
Mất răng hàm có bị hóp má không? Tình trạng tiêu xương do mất răng lâu ngày có thể gây hóp má. Hơn nữa, khi bị tiêu xương hàm, nếu bạn muốn trồng răng giả sau này cũng sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.
3.4. Khả năng phát âm
Răng hàm bị mất khiến cho phát âm không được tròn vành rõ chữ, thiếu chính xác, nói ngọng, làm mất tự tin trong giao tiếp.
3.5. Bệnh lý răng miệng
Khoảng trống của răng đã mất tạo môi trường vi khuẩn phát triển, dẫn đến các bệnh lý răng miệng như viêm chân răng, sâu răng… nếu diễn tiến nặng sẽ gây lung lay mất răng toàn hàm.
3.6. Đau khớp thái dương hàm, đau đầu
Răng hàm bị mất khiến khớp cắn sai lệch, tạo áp lực lên quai hàm. Khi ăn nhai có thể gây đau khớp thái dương hàm, đau đầu, nghiêm trọng hơn là lệch mặt, liệt cơ hàm. Mất răng hàm gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ gương mặt.
4. Giải pháp khắc phục tối ưu cho người mất răng hàm
Khi bị mất răng hàm nên phục hồi răng càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tối đa các biến chứng về răng miệng.
Có 3 phương pháp trồng răng hàm phổ biến gồm:
4.1. Hàm tháo lắp
Hàm tháo lắp gồm khung hàm bằng nhựa hoặc kim loại, bên trên là răng giả và có thể tháo rời dễ dàng. Phương pháp này có chi phí thấp, thời gian làm nhanh chóng nhưng chỉ phục hồi được 30 – 40% khả năng ăn nhai, dễ bị rơi khi ăn uống/nói chuyện, gây tiêu xương, teo nướu và độ bền không cao.
4.2. Cầu răng sứ
Phương pháp này sử dụng các răng bên cạnh răng đã mất làm trụ, sau đó gắn mão sứ lên trên. Phần răng sứ trắng có màu giống với răng thật, ăn nhai khá tốt, cố định vào hàm, dùng được 7 – 10 năm. Tuy nhiên cầu răng sứ lại không ngăn được tiêu xương và gây tổn hại đến các răng khỏe mạnh. Theo thời gian, các răng này dần suy yếu khiến cho việc mất răng càng lan rộng hơn.
4.3. Trồng răng Implant
Trồng răng Implant được xem là giải pháp phục hình răng tân tiến nhất hiện nay khi bị mất 1 răng hoặc nhiều răng và có thể khôi phục khả năng ăn nhai lên đến hơn 90%.
Phương pháp này sử dụng trụ Titanium gắn vào xương hàm, thay thế chân răng đã mất. Phần trụ Implant này sẽ bám vào xương hàm, tạo thành chân răng vững chắc, ngăn chặn tình trạng tiêu xương. Phía trên là mão răng có màu sắc, hình dạng, kích cỡ tương tự răng thật.
Cấy ghép Implant giúp người bị mất răng hàm ăn nhai thoải mái, không gây hư tổn răng bên cạnh, khắc phục các hậu quả khi mất răng, tính thẩm mỹ cao và có thể sử dụng trọn đời nếu chăm sóc đúng cách.