Nhổ răng khôn có đau không? Biến chứng do nhổ răng khôn là gì?
Nhổ răng khôn có đau không luôn là thắc mắc chung của rất nhiều người bởi chẳng ai muốn phải đối mặt với cảm giác khó chịu, đau đớn cả. Tuy nhiên, quá trình này sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Vì sao nên nhổ răng khôn?
Răng khôn là răng hàm số 3 ở trong cùng của miệng, thường hình thành trong độ tuổi từ 17–25 và có thể phát hiện thông qua quá trình chụp X-quang.
Hầu hết mọi người nhổ răng khôn vì một trong những lý do sau:
Gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Răng khôn là răng mọc sau cùng và nằm ở sâu bên trong của khoang miệng nên thường gặp trục trặc. Chúng có thể bị mắc kẹt trong xương hàm hoặc nướu và gây đau đớn.
Răng khôn mọc lệch và đâm vào răng xung quanh.
Khoang miệng không đủ lớn hay hàm không đủ chỗ cho răng khôn mọc sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Răng khôn thường dễ bị sâu hay gây các bệnh nướu răng do bàn chải đánh răng hoặc chỉ nha khoa khó tiếp cận sâu vào đến vị trí của chúng.
Nhổ răng khôn có đau không?
Khi bạn có răng khôn cần phải nhổ, nha sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang để xác định quá trình loại bỏ răng khôn.
Trước khi bắt đầu quy trình nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cục bộ tại khu vực xung quanh chiếc răng cần nhổ bỏ. Nếu bạn hay lo lắng thái quá, nha sĩ có thể tiêm một liều thuốc an thần vào tĩnh mạch cánh tay để bạn ngủ trong quá trình nhổ răng khôn.
Bác sĩ hiếm khi gây mê toàn thân trong tiểu phẫu nhổ răng khôn. Tuy nhiên, nếu được gây mê toàn thân, bạn vẫn có thể về nhà trong ngày sau khi nhổ răng.
Sau khi chờ thuốc tê/mê có tác dụng, nha sĩ sẽ tìm cách tiếp cận và loại bỏ răng khôn. Nếu răng khôn không mọc được qua nướu, họ bắt buộc phải rạch một đường cắt nhỏ trên nướu để loại bỏ chúng cũng như mảnh xương nhỏ bao phủ trên răng.
Nha sĩ có thể sẽ cắt răng khôn thành từng mảnh nhỏ để dễ dàng lấy ra ngoài thông qua vết cắt trên nướu.
Bạn sẽ cảm thấy một chút khó chịu khi nhổ răng vì nha sĩ sẽ làm lỏng chân răng bằng cách lắc nhẹ răng qua lại trước khi nhổ được chúng ra.
Nhờ vào thuốc tê, bạn thường không cảm thấy đau trong quá trình nhổ răng khôn. Tuy nhiên, nếu có cảm giác tê buốt, đau đớn hãy thông báo cho nha sĩ để được tiêm thêm thuốc gây tê.
Thời gian nhổ một chiếc răng khôn sẽ khác nhau tùy vào tình trạng phức tạp của răng. Bạn có thể chỉ mất vài phút hoặc cả tiếng để hoàn tất quá trình này.
Nếu bạn có một vết mổ trên nướu, nha sĩ sẽ sử dụng chỉ khâu tự tiêu để hàn kín phần nướu lại. Chỉ khâu thường tiêu biến sau khoảng 7–10 ngày.
Sau khi nhổ răng, nha sĩ thường đặt một miếng gạc lên vị trí đó và yêu cầu bạn cắn chặt hai hàm răng lại để giúp cục máu đông hình thành trong lỗ hổng nướu sau khi nhổ răng. Hình thành cục máu đông là một phần trong quá trình hồi phục nên bạn đừng cố gắng loại bỏ chúng.
Nha sĩ cũng kê cho bạn một vài loại thuốc kháng sinh để đề phòng nhiễm trùng.
Bạn có thể cảm thấy đau nhẹ sau khi thuốc tê hết tác dụng, cảm giác đau đớn này còn phụ thuộc vào trình độ và tay nghề của nha sĩ thực hiện. Thậm chí, một số người không hề cảm thấy đau sau khi nhổ răng khôn. Miệng bạn có thể bị sưng nhẹ và hơi khó chịu trong 3 ngày đầu, sau đó cần một vài tuần để vết thương lành lặn hoàn toàn.
Biến chứng có thể xảy ra khi nhổ răng khôn
Tuy rất nhiều người gặp phải các biến chứng khi nhổ răng khôn nhưng may mắn là tất cả đều không quá nghiêm trọng. Bạn cần quay lại gặp nha sĩ ngay khi thấy khu vực vừa nhổ răng khôn bị:
1. Viêm xương ổ răng
Đây là một biến chứng phổ biến nhất của nhổ răng khôn. Bạn có nguy cơ bị viêm xương ổ răng nếu:
Không tuân thủ đúng hướng dẫn của nha sĩ hậu nhổ răng
Bạn là người hút thuốc là
Bạn trên 25 tuổi
Răng của bạn là chiếc răng khó, phải mất nhiều thời gian và thủ thuật mới loại bỏ được tận gốc
Viêm xương ổ răng gây ra cảm giác đau âm ỉ trong nướu hoặc hàm. Đôi lúc cơn đau bùng phát dữ dội, lan sang cả một bên mặt. Cũng có khi cơn đau đi kèm với mùi hôi hoặc mùi khó chịu phát ra từ hốc răng rỗng. Biến chứng viêm xương ổ răng xảy ra khi cục máu đông không phát triển trong hốc răng, bị trật hoặc vỡ và biến mất.
Bạn sẽ cảm thấy bớt đau trong 1-2 ngày sau khi nhổ răng, nhưng cơn đau bắt đầu tăng từ 3-5 ngày sau phẫu thuật. Đó là do cục máu đông đã biến mất và quá trình chữa bệnh đã bị gián đoạn.
Lúc này, nếu nhìn vào hốc răng vừa nhổ, bạn có thể thấy xương (thay vì máu hoặc nướu) lộ ra. Đây chính là “ổ” của viêm xương ổ răng.
Giải pháp của nha sĩ trong trường hợp này là che hốc răng bằng băng gạc, thay băng thường xuyên cho đến khi hốc răng lành hoàn toàn. Cũng có bằng chứng cho thấy sử dụng nước súc miệng có chứa chlorhexidine (chất khử trùng) giúp giảm khả năng phát triển của viêm xương ổ răng.
2. Dị cảm (tổn thương thần kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn)
Một số ít bệnh nhân sau khi nhổ răng khôn bị ảnh hưởng bởi dị cảm (tê do tổn thương thần kinh). Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh gần chân răng bị bầm tím hoặc tổn thương trong quá trình phẫu thuật.
Dị cảm có thể dẫn đến mất cảm giác tạm thời ở lưỡi, môi dưới hoặc hàm dưới. Điều đó nghĩa là bạn không còn cảm thấy đau, cũng không phân biệt được nóng – lạnh ở khu vực này.
May mắn là dị cảm không ảnh hưởng đến chuyển động lưỡi, cách phát âm cũng như không làm biến dạng khuôn mặt bạn.
Dị cảm thường kéo dài trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Cá biệt có một số trường hợp bị dị cảm vĩnh viễn nếu dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng. Bệnh nhân lớn tuổi (trên 35 tuổi) có nguy cơ bị dị cảm cao hơn vì chân răng của họ dài và gần dây thần kinh hơn.
3. Nhiễm trùng
Mỗi vị trí nhổ răng đều tiếp xúc với nước bọt và thức ăn có chứa vi khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng thường liên quan đến việc bệnh nhân không loại bỏ thức ăn xung quanh khu vực răng khôn trước khi nhổ. Nhiễm trùng lây lan sang một bên khoang miệng, tấn công vào mô mềm.
Tình trạng này xuất hiện từ 1 đến 3 tuần sau phẫu thuật với tỷ lệ mắc bệnh là gần 6%.
4. Xuất huyết
Khi một chiếc răng khôn được lấy ra, hốc răng sẽ chảy rất nhiều máu. Tùy tình trạng nướu răng có bị rạch hay không, nha sĩ sẽ quyết định khâu hoặc không khâu vết phẫu thuật. Bình thường, chỉ cần thấm gạc trong vòng 30 phút sau nhổ là sẽ cầm được máu.
Nhưng nếu xử lý không kỹ, vết thương sẽ tiếp tục chảy máu nhiều giờ sau đó, thấm ướt cả băng gạc khiến bạn không cách gì cầm được.
Khi thấy hốc răng tiếp tục chảy máu mà không có dấu hiệu ngừng, bạn hãy quay lại phòng hậu phẫu để nha sĩ kiểm tra tình trạng vùng hốc răng. Có thể nha sĩ sẽ cần khâu thêm vài mũi để vết thương đóng miệng hoàn toàn.
5. Sưng cục bộ tạm thời, gây đau và khó mở miệng
Đây được coi là hiện tượng bình thường sau khi nhổ răng khôn, đặc biệt khi đó là chiếc răng bị ảnh hưởng. Bạn sẽ nhận thấy không chỉ vùng nướu quanh răng mà ngay cả vùng má và hàm dưới cũng sưng, phải vài ngày sau mới hết.
Nếu thấy mặt sưng nhiều, bạn hãy chườm túi đá để kiểm soát cơn đau nhức. Tiêm thuốc steroid có thể làm giảm mức độ sưng nướu nhưng không loại bỏ được tình trạng sưng mặt.
6. Gãy xương hàm
Trong trường hợp răng khôn cắm một phần (hoặc toàn bộ) vào xương hàm, nha sĩ sẽ phải thực hiện một thủ thuật phức tạp: cắt bỏ một phần xương để dễ dàng tiếp cận với chiếc răng bị ảnh hưởng. Việc làm này đòi hỏi tay nghề cao của người thực hiện.
Nếu gặp phải một nha sĩ yếu chuyên môn, bạn rất dễ bị biến chứng gãy xương hàm. Khi đó, có thể bạn sẽ phải nhập viện và phẫu thuật bổ sung để ổn định xương hàm bị gãy.
7. Sót mảnh răng
Nếu chiếc răng khôn của bạn, vì một lý do nào đó mà không thể nhổ cả chiếc, nha sĩ sẽ phải khoan răng thành nhiều mảnh, sau đó gắp từng mảnh ra. Trong quá trình gắp, có thể vẫn còn một số mảnh răng sót lại trong hốc răng. Nếu không xử lý sạch sẽ gây nhiễm trùng.
8. Tử vong
Mặc dù rất hiếm nhưng đã có một vài bệnh nhân tử vong trong quá trình nhổ răng khôn. Nguyên nhân là cơ thể họ phản ứng lại với thuốc gây mê được sử dụng khi nhổ răng.
Chuẩn bị gì trước khi nhổ răng khôn?
Một số lưu ý bạn cần thực hiện trước khi nhổ răng khôn để quá trình này diễn ra suôn sẻ nhất gồm:
Mặc trang phục thoải mái
Thư giãn tâm lý, tránh việc căng thẳng quá mức
Không dùng thức uống có cồn ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện nhổ răng
Vệ sinh răng miệng kỹ càng trước khi đến phòng nha, điều này sẽ làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng
Hãy nói với nha sĩ về các vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải để được cân nhắc hình thức nhổ thuốc tê hay gây mê
Nhờ người thân đưa đón thay vì tự điều khiển xe đến phòng nha
Mẹo giảm đau sau khi nhổ răng khôn
Một số mẹo giúp làm dịu cơn đau cũng như chăm sóc vết mổ sau khi nhổ răng khôn mà bạn có thể thử gồm:
Cầm máu
Chảy máu nhẹ, chảy mủ hoặc nước bọt có màu đỏ là tình trạng thường thấy sau khi nhổ răng. Bạn có thể tự cầm máu cho bản thân bằng cách đặt một miếng gạc lên vết thương và giữ chặt trong khoảng 30 phút.
Ngoài ra, bạn có thể lấy một tép trà túi lọc đã được ngâm sơ qua trong nước ấm rồi chườm lên vị trí mổ răng khôn. Axit tannic trong túi trà sẽ giúp cầm máu. Ngoài ra, hãy hạn chế vận động quá nhiều, nên giữ bình tĩnh, luôn ngồi thẳng…
Giảm đau
Hãy uống thuốc giảm do nha sĩ kê đơn để hạn chế việc cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng thuốc nhằm tránh gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa…
Giảm sưng
Sau khi nhổ răng khôn, bạn có thể bị sưng khu vực quanh miệng, má, mắt và hai bên mặt. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể đối với các loại tiểu phẫu, bạn hãy chườm đá lạnh lên da để giúp giảm sưng nhé.
Chế độ ăn uống
Những ngày sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn hãy uống nhiều nước. Tuy nhiên, tránh việc sử dụng ống hút bởi lực tác động có thể khiến vết thương chảy máu. Nên ăn các món mềm như cháo hoặc súp để tăng cường thêm calo và protein, giúp tăng tốc quá trình hồi phục.
Chăm sóc răng miệng sau khi nhổ răng khôn
Bạn có thể bắt đầu chải răng vào ngày thứ hai sau khi nhổ răng khôn, hãy chọn loại bàn chải lông mềm cùng lực chải nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến vết thương. Súc miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi trong khoang miệng, tránh tình trạng nhiễm trùng.
Theo dõi vết thương sau khi nhổ răng khôn: nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng hay chảy máu kéo dài, hãy liên lạc ngay với nha sĩ để kịp thời điều trị. Đến phòng khám Nha khoa Diamond Dental Biên Hòa để trải nghiệm dịch vụ nhổ răng khôn an toàn và đảm bảo nhất.