Những ưu điểm khi trám răng thẩm mỹ bằng composite
Ngày nay, bạn có thể lựa chọn một số vật liệu trám răng theo ý muốn để phục hình răng đã gãy, bị mài mòn hoặc che dấu vết sâu răng. Trám răng thẩm mỹ bằng composite có thể giúp bạn thay đổi màu răng, phục hồi răng bị tổn thương, tái tạo hình dạng lại cho răng bị sứt, mẻ hay lấp đi khoảng trống khi răng bị thưa mà vẫn giữ được màu răng tự nhiên nhất.
Trám răng thẩm mỹ composite là gì?
Composite là một hỗn hợp của nhựa và các hạt thủy tinh có khả năng đồng nhất màu sắc với hàm răng tự nhiên. Không chỉ mang màu sắc như răng thật, composite còn được tin dùng do sở hữu độ nén và chịu lực cao, giúp đảm bảo khả năng ăn nhai và phục hình thẩm mỹ cho các trường hợp: răng mẻ, răng xỉn màu, răng đen, răng mòn men,…
Nha sĩ có thể khuyên bạn nên trám răng thẩm mỹ bằng composite khi có những tình trạng sau đây:
Phục hồi răng bị sâu
Cải thiện hình dáng của răng bị sứt, mẻ hay nứt
Cải thiện màu răng đổi màu vì lý do nào đó
Che lấp khoảng trống khi răng thưa
Thay đổi hình dáng răng (giúp răng trông dài hơn)
Bảo vệ phần chân răng bị lộ khi tụt nướu
Ưu điểm khi trám răng thẩm mỹ bằng composite
Trám răng là một trong những hình thức nha khoa thẩm mỹ đơn giản và ít tốn kém nhất. Không giống như bọc mão răng hay dán răng sứ veneer cần tốn thời gian tạo hình theo khuôn răng trong phòng thí nghiệm, trám răng có thể hoàn thành xong trong một lần thăm khám. Ngoài ra, lượng men răng phải loại bỏ trước khi trám cũng ít hơn so với các phương pháp khác.
Hơn nữa, vật liệu trám răng composite có nhiều ưu điểm như:
Về thẩm mỹ, màu sắc của composite khá tương thích với màu răng tự nhiên của bạn. Composite còn phù hợp để sử dụng trám răng cửa hay ở những khu vực có thể nhìn thấy của hàm răng.
Composite liên kết khá tốt với cấu trúc răng, giúp hỗ trợ thêm sức mạnh cho răng.
Sử dụng linh hoạt cho nhiều mục đích. Không chỉ trám cho răng sâu, composite có thể được sử dụng cho trường hợp răng bị sứt mẻ, gãy, mòn.
Loại bỏ cấu trúc răng ít hơn so với trám bạc (amalgam) khi cần chuẩn bị không gian để trám.
Nhược điểm của vật liệu trám răng composite
Vật liệu trám răng composite cũng mang một số nhược điểm cần lưu ý như:
Lớp composite dễ bị bong tróc do không có chỗ bám vững chắc mà chỉ được làm đông trên bề mặt răng.
Thời gian trám lâu hơn so với cách thức trám truyền thống.
Tuy mang màu sắc giống răng thật, nhưng sau một thời gian, vật liệu này sẽ bị ngấm màu thực phẩm và ố vàng.
Quy trình trám răng thẩm mỹ
1. Chuẩn bị
Bạn không cần chuẩn bị gì quá đặc biệt khi thực hiện dịch vụ trám răng thẩm mỹ. Nha sĩ có thể không cần gây tê trừ khi trám để điều trị sâu răng hay trường hợp lỗ hổng trên răng nằm gần dây thần kinh. Các chuyên gia sẽ sử dụng một hướng dẫn chọn màu để có được màu composite phù hợp với răng tự nhiên nhất có thể.
2. Quá trình trám răng
Bề mặt răng cần trám được mài nhám và nha sĩ sử dùng một dung dịch nha khoa lên đó. Bước này sẽ giúp vật liệu trám liên kết được với răng. Sau đó, composite có màu giống răng thật được áp lên răng, đúc theo hình dạng mong muốn. Tiếp đến, nha sĩ sử dụng ánh sáng đặc biệt, thường là ánh sáng màu xanh lam hay laser để làm vật liệu trám cứng lại.
Sau một khoảng thời gian composite đủ cứng, nha sĩ tiếp tục mài các cạnh và định hình răng thích hợp. Cuối cùng, răng được đánh bóng cho màu sắc tương thích với hàm răng.
3. Thời gian trung bình cho một lần trám răng
Mỗi răng trám thường mất khoảng 30–60 phút để hoàn thành các công đoạn.
Trám răng composite có bền không?
Tuổi thọ của vết trám răng sẽ phụ thuộc vào mức độ liên kết được thực hiện (trình độ, kinh nghiệm của nha sĩ và chất lượng của vật liệu trám) và thói quen chăm sóc răng miệng của bạn. Thông thường, vật liệu trám có thể tồn tại khoảng 3–10 năm trước khi cần thay thế.
Chăm sóc răng sau khi trám composite
Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng từ 1-2 lần/ ngày. Cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/ lần.
Bỏ thói quen cắn móng tay, nhai nuớc đá, dùng răng mở nắp chai,… vì có thể gây sứt mẻ vật liệu trám.
Sau khi trám răng, bạn không cần có những biện pháp chăm sóc quá cầu kỳ. Nếu bạn cảm nhận thấy có gì bất thường ở vết trám trên răng, hãy thông báo ngay cho nha sĩ để được khắc phục kịp thời.