Viêm tủy răng là gì? Triệu chứng và điều trị
Viêm tủy răng là nguyên nhân phổ biến gây đau nhức răng và thậm chí mất răng, khiến sinh hoạt hàng ngày của bạn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, bạn cần sớm đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị tình trạng viêm tủy răng kịp thời, tránh để bệnh trở nặng.
Viêm tủy răng là gì? Dấu hiệu viêm tủy răng
Ở một răng khỏe mạnh bình thường, tủy răng là một mô liên kết đặc biệt có nhiều mạch máu và sợi thần kinh nằm trong hốc tủy, được bao quanh bởi men răng và ngà răng. Sự xâm nhập của vi khuẩn vào vùng tủy có thể khiến tủy bị sưng, gây ra tình trạng đau và sưng viêm vùng tủy ở một hoặc nhiều răng khác nhau. Tình trạng này gọi là viêm tủy răng.
Dấu hiệu của 3 dạng viêm tủy răng thường gặp
Viêm tủy răng phục hồi: răng đau và ê buốt ở mức độ nhẹ, nhạy cảm với thức ăn ngọt, quá nóng hoặc lạnh. Ở giai đoạn này, tủy răng vẫn có thể được điều trị, tuy nhiên, ít ai có thể sớm nhận ra những triệu chứng này.
Viêm tủy răng không phục hồi: nếu không phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn nhẹ, lâu dần, răng không chỉ càng đau và ê buốt nhiều hơn, mà còn xuất hiện lỗ sâu và trở nên cực kỳ nhạy cảm khi ăn quá nóng hoặc lạnh.
Sốt, hôi miệng và sưng hạch bạch huyết cũng là một trong những dấu hiệu viêm tủy răng không phục hồi. Đây là lúc người bệnh phải nhờ đến sự can thiệp của nha sĩ và tiến hành điều trị tủy răng.
Viêm tủy hoại tử: tủy răng chết khiến dịch tủy chảy theo các lỗ ở chóp răng tạo ra mùi hôi khó chịu; khiến vi khuẩn lây lan làm viêm nhiễm ở những khu vực xung quanh răng, thậm chí gây tiêu xương ổ răng dẫn tới mất răng vĩnh viễn.
Biến chứng viêm tủy răng
Viêm tủy răng không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:
Viêm quanh cuống răng
Áp xe răng
Tiêu xương
Viêm hạch bạch huyết
Rụng răng
Để phòng ngừa những biến chứng này, hãy chú ý đến tình trạng răng miệng của bản thân và đi khám ngay khi có những dấu hiệu lạ. Tốt nhất, bạn nên khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện và điều trị bệnh.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng
Khi răng khỏe mạnh, lớp men răng và ngà răng có chức năng bảo vệ tủy khỏi nhiễm trùng. Khi viêm tủy răng xảy ra nghĩa là các lớp bảo vệ này bị tổn thương, vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi xâm nhập vào tủy răng, gây sưng viêm.
Men răng và ngà răng có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân:
Răng sâu vào tủy
Gãy răng làm lộ tủy răng
Tác động làm tổn thương răng
Các tổn thương lặp lại làm lệch hàm hoặc thói quen nghiến răng.
Trẻ em và người lớn tuổi cũng dễ bị viêm tủy răng hơn, nhưng điều này cũng còn phụ thuộc nhiều vào ý thức chăm sóc răng miệng. Một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ khiến bạn bị viêm tủy răng như vệ sinh răng miệng kém hay các bệnh lý như tiểu đường.
Các thói quen dễ khiến bạn mắc bệnh viêm tủy răng thường là:
Vệ sinh răng miệng: Không đánh răng thường xuyên hay không sử dụng chỉ nha khoa để lấy sạch thức ăn còn sót lại sau khi ăn.
Thói quen ăn uống: Việc sử dụng thức ăn hoặc đồ uống có quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.
Hoạt động mạnh: Một số nghề nghiệp hay sở thích như đánh boxing, khúc côn cầu hay võ thuật sẽ khiến răng dễ bị tổn thương hơn.
Nghiến răng khi ngủ: Tình trạng nghiến răng thường xuyên sẽ làm răng bị mẻ, đau khi nhai và khiến khớp hàm bị lệch.
Giải pháp điều trị viêm tủy răng
Cách chữa viêm tủy răng sẽ khác nhau phụ thuộc vào tình trạng viêm tủy của bạn:
Trường hợp viêm tủy có thể phục hồi: Bạn có thể chữa dứt tình trạng viêm bằng cách điều trị nguyên nhân gây viêm tủy răng. Chẳng hạn như nếu bạn bị sâu răng, sau khi loại bỏ vùng răng sâu và trám lại răng, tình trạng đau nhức sẽ giảm bớt.
Trường hợp viêm tủy không thể phục hồi: Nha sĩ sẽ cứu chữa răng bằng thủ thuật lấy tủy răng hay cắt bỏ tủy. Với phương pháp này, tủy răng sẽ bị loại bỏ nhưng phần còn lại của răng vẫn được giữ nguyên. Sau khi loại bỏ tủy răng, chỗ trũng trong răng sẽ được khử trùng và trám bít lại.
Trường hợp viêm tủy hoại tử: Nếu vùng nhiễm trùng không đáng kể và răng không bị lung lay nhiều thì nha sĩ sẽ điều trị tủy và cắt chóp để cứu lấy răng thật. Ngược lại, nha sĩ sẽ phải nhổ bỏ răng và tiến hành phục hồi răng bị mất bằng những phương pháp khác.
Sau khi đã lấy tủy răng hay nhổ răng, bạn nên đến nha sĩ để kiểm tra nếu gặp phải các triệu chứng sau đây:
Cảm giác đau dữ dội hơn
Sưng bên trong và bên ngoài miệng
Có áp lực trong răng
Các triệu chứng viêm tủy răng tái lại
Để kiểm soát cơn đau trước và sau khi điều trị viêm tủy, bạn có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid. Nếu bạn phải rút tủy răng hoặc nhổ răng, nha sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau mạnh hơn.
Cách phòng ngừa viêm tủy răng
Hầu hết các trường hợp viêm tủy răng đều xuất phát từ sâu răng. Do đó, việc ngăn ngừa viêm tủy răng cũng có nghĩa là bạn cần ngừa sâu răng. Để giữ răng khỏe mạnh và không bị sâu, điều quan trọng nhất là bạn nên thực hành vệ sinh răng miệng đúng cách.
Hãy luôn nhớ các bước sau:
Chải răng hai lần mỗi ngày, chú ý vùng nướu và lợi
Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày
Thay bàn chải đánh răng mỗi 3 tháng
Thực hiện chế độ ăn có đầy đủ canxi và vitamin
bổ sung thực phẩm giàu canxi
Tránh các thức ăn quá ngọt hoặc nhiều tinh bột
Đến khám nha sĩ định kỳ hai lần mỗi năm
Đừng lo lắng khi bạn gặp phải tình trạng đau nhức khó chịu do bị viêm tủy răng. Hãy đến ngay trung tâm nha khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Do tính chất phức tạp của hệ thống ống tủy, dịch vụ chữa tủy răng nên được thực hiện bởi chuyên gia trong ngành. Nha Khoa Diamond Biên Hòa (Diamond Dental Clinic) với đội ngũ nha sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình sẽ giúp bạn nhanh chóng có lại hàm răng khỏe mạnh với chi phí ít nhất trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, Nha Khoa Diamond còn được trang bị máy móc hiện đại cùng với quy trình vô trùng nghiêm ngặt. Nhờ đó, bạn sẽ trải nghiệm được một quy trình nha khoa nhanh chóng, nhẹ nhàng, thuận tiện và ngăn ngừa lây nhiễm bệnh tối đa.